Đầu nối quang hiện được sử dụng rộng rãi trên thị trường với nhiều chủng loại và mẫu mã khác nhau. Fast Connector là một loại đầu nối khá phổ biến và phù hợp cho nhiều bài toán. Tuy chỉ là một đầu nối quang nhưng chúng cũng có những lưu ý quan trọng khi sử dụng. Hôm nay DienCN247 sẽ cùng các bạn tìm hiểu nhé!

Tính đến nay đã có khoảng hơn 100 các loại đầu nối quang ra đời nhưng thực tế hiện tại cũng chỉ có một số loại đầu nối là còn được sử dụng. Các loại đầu nối quang đã được DienCN247 giới thiệu đến các bạn qua bài viết Đầu nối quang: cấu tạo vai trò và phân loại

Đầu nối quang được dùng để kết nối các sợi quang trong hệ thống cáp quang. Từ đó ánh sáng mới có thể truyền từ lõi sợi quang này vào lõi sợi quang kia hoặc kết nối từ sợi quang vào thiết bị truyền tín hiệu quang. Để đạt được một kết nối tốt với độ suy hao thấp, hai lõi sợi quang phải tiếp xúc thẳng hàng và bề mặt đầu nối quang cũng phải được chăm sóc một cách kỹ lưỡng, làm sạch bụi và các mảnh vỡ, mảnh vụn hay các vết trầy xước. Đầu nối Fast Connector cũng có chức năng như vậy. Có thể nói Fast Connector là phụ kiện quang không thể thiếu trong bất cứ hệ thống mạng quang nào tại Việt Nam hiện nay.

Cấu tạo cơ bản đầu nối cáp quang thường có 3 phần chính: ferrule, thân đầu nối (hay còn gọi là connector body) và khớp nối.

Ferrule: được thiết kế để hỗ trợ cho lõi sợi quang có thể tiếp xúc thẳng hàng với mục đích giảm thiểu suy hao một cách tối đa. Phần ferrule này được gắn nhờ một bộ phận có chức năng giống lò xo có nhiệm vụ đẩy đầu ferrule về phía trước giúp việc tiếp xúc được tốt nhất. Phía cuối của mỗi đầu nối cáp quang thường có một bộ phận có nhiệm vụ giảm việc chống vặn cũng như tăng khả năng chịu lực của cáp quang. Phần đầu nhựa bảo vệ khu vực cuối của đầu nối cáp quang cũng hỗ trợ, hạn chế độ uốn cong dẫn đến việc gãy gập khi kết nối cáp vào thiết bị đảm bảo chất lượng lõi cáp.

Lưu ý khi kết nối:

Các lõi sợi quang cần phải được kết nối thẳng hàng và cũng phải đảm bảo chất lượng của bề mặt. Nếu có sự lệch ở đây sẽ khiến một phần ánh sáng bị thất thoát ra ngoài, làm gián đoạn đường truyền gây nên lỗi hệ thống. Lệch góc đầu nối làm cho tín hiệu bị thất thoát lớn. Những đầu nối quang có ferrule dạng PC sẽ giúp hạn chế vấn đề này.

Sau khi thực hiện việc bấm đầu, cần mài nhẵn các bề mặt đầu nối cáp quang nhằm loại bỏ các vết bẩn hay khiếm khuyết tại bề mặt. Quá trình này tuy đơn giản nhưng cũng cần phải tiến hành khá cẩn thận. Đối với một vài đầu nối đặc biệt kỹ thuật mài cũng tương đối đặc biệt với thao tác chuyển động hình số tám, nhằm mài đều tất cả các góc của đầu nối cáp quang.

Vấn đề nhiệt độ cũng cần được người dùng quan tâm đúng mức. Trong các môi trường khắc nghiệt có nhiệt độ từ -40°C đến 85°C, sợi quang và ferrule có thể bị dịch chuyển trong quá trình sử dụng từ đó làm giảm hiệu suất truyềntín hiệu của hệ thống.

Việc lựa chọn đúng những đầu nối sẽ giúp cho hệ thống hoạt động hiệu quả hơn tránh những thất thoát tín hiệu cũng như ảnh hưởng tới chất lượng đường truyền.